Các loại đá quý ở Lâm Đồng, các loại khoáng sản ở Lâm đồng qua một bài viết hay sưu tầm từ năm 1995. Theo wikipedia Lâm Đồng là một trong năm tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên (Có khi được xếp vào Đông Nam Bộ), Việt Nam, đồng thời là tỉnh có diện tích lớn thứ 7 cả nước, tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Năm 2018, Lâm Đồng là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 23 về số dân, xếp thứ 23 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 18 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 26 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1.312.900 người dân[3], số liệu kinh tế – xã hội thống kê GRDP đạt 78.433 tỉ Đồng (tương ứng với 3,4064 tỉ USD), GRDP bình quân đầu người đạt 59,74 triệu đồng (tương ứng với 2.595 USD), tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,14%
Tiềm năng khoáng sản là nguồn nguyên, nhiên liệu dồi dào đáp ứng nhiều mặt của nhu cầu con người. Ngày nay khoa học – kỹ thuật tiến bộ, con người đã khai thác các vỉa quặng giếng dầu ngủ yên dưới lòng đất hàng triệu năm. Trong mấy chục thập niên qua, các cuộc chiến tranh liên tiếp bùng nổ, các dân tộc các nước lấn chiếm biên giới đất đai, các nước lớn có nền công nghiệp và khoa học – kỹ thuật phát triển tìm mọi cách thu vén tài nguyên của các nước nghèo lạc hậu.
Các cuộc chiến tranh Đông Dương, Nam Phi, Mỹ La Tinh, cuộc chiến tranh vùng Vịnh, Trung Đông họ giành giựt lấy từng tấc đất, giành tài nguyên. Ở Việt Nam cũng từng bị các nước lớn đô hộ nhằm vơ vét tài nguyên. Dưới thời Pháp thuộc một số vùng mỏ ở Đà Lạt – Lâm Đồng đã từng bị các nước Nhật, Pháp khai thác như mỏ vàng Tà In, thiếc Đà Lạt.
Ngày nay các nước giàu đã sử dụng đến các phương tiện hiện đại để tìm tài nguyên khoáng sản như hình vệ tinh, máy quang phổ, phân tích vi lượng, kỹ thuật hạt nhân… Vùng cao nguyên Trung phần nói chung và Lâm Đồng nói riêng, ngoài tiềm năng về rừng còn có nhiều loại khoáng sản đáng kể. Trong 5 nhóm khoáng sản hiện có trên lãnh thổ Việt Nam thì Lâm Đồng có 3 nhóm, trừ nhóm dầu mỏ và khoáng sản duyên hải như cát trắng titan. Đặc biệt là nhóm kim loại và nhóm phục vụ ngành công nghiệp gốm sứ rất lớn như kaolin, bauxite, vàng, thiếc, đá quý, thạch anh, đá granit…
Kaolin là một dạng đất sét chịu lửa, nguyên liệu chính dùng để sản xuất đồ gốm và sản xuất gạch chịu lửa. Loại khoáng sản chỉ tập trung ở Trại Mát và Prenn, khoảng 110 – 120 ngàn tấn. Kaolin Đà Lạt có mật độ tập trung cao, ít tạp chất, mịn, nhuyễn, dễ khai thác. Các cơ sở sản xuất gốm sứ ở Đồng Nai, Sông Bé thường xuyên mua kaolin Đà Lạt về sản xuất.
Trong nhóm kim loại đầu tiên phải kể đến bauxite. Tại Bảo Lộc – Lâm Đồng và các vùng phụ cận Lâm Đồng như: Dăklăk, Gia Lai, Kontum có độ 4 tỉ tấn, chiếm hơn 60% so với lượng quặng trong nước. Trong số ấy tập trung chủ yếu ở Lâm Đồng và vùng Bảo Lộc khoảng 1 tỉ tấn, riêng vành đai thị xã Bảo Lộc 200 triệu tấn, phần lớn lộ thiên cách một lớp đất bề mặt 0,5 cm dễ khai thác. Hàng năm Xí nghiệp Bauxite Bảo Lộc khai thác từ bảy đến mười ngàn tấn. Nhóm khoáng sản kim loại ở Lâm Đồng còn có thiếc, sắt, magnésium, kẽm, chì, vàng… Mỏ vàng Tà Năng (Tà In) dưới thời Pháp – Nhật đã bị khai thác, đến nay chưa biết cụ thể. Từ sau ngày giải phóng đến nay, nhất là vào thời kỳ 1987 – 1992, nhân dân đã đào đãi với khối lượng lớn, riêng các đơn vị nhà nước quản lý mỗi năm thu được 30 đến 40 kg. Hiện nay mỏ vàng này Bộ Năng lượng đang quản lý và khai thác dưới dạng thủ công. Bộ Năng lượng đã ký hợp đồng với một công ty của Úc thăm dò khai thác tổng vốn đầu tư gần 2,5 triệu đô la. Theo một số chỉ số thăm dò địa chất thì mỏ vàng Tà Năng vào khoảng trên dưới 200 tấn, trên chu vi 2 km2 . Ngoài ra, Lâm Đồng còn có một số mỏ vàng ở Tây Sơn, Bảo Lộc đã được phát hiện.
Theo tài liệu điều tra địa chất và qua thực tế cho thấy Lâm Đồng có nguồn quặng thiếc phong phú, phân bố rãi rác khắp nơi gồm cả thiếc gốc lẫn thiếc sa khoáng, nhưng tập trung nhiều nhất ở Đà Lạt, Lâm Hà, Lạc Dương, Di Linh. Tại khu Hoàn Bồ Đà Lạt, công ty khoáng sản Lâm Đồng đã khoan xuống độ sâu 125 m, xác định sơ bộ có 3 đến 5% hàm lượng quặng. Tại vùng mỏ Đarahoa (Lạc Dương) một công ty của Malaysia đầu tư trên 100 ngàn đôla, khoan thăm dò trong vòng bán kính 1,6 km2, với các chỉ số hàm lượng ban đầu đầy triển vọng. Hiện nay Lâm Đồng có 17 mỏ thiếc đã được phát hiện và khai thác dưới dạng thủ công, hàng năm thu được 1.500 đến 2,000 tấn thiếc. Trong đó công ty khoáng sản Lâm Đồng đã quản lý thu mua và tinh chế xuất khẩu mỗi năm 700 – 800 tấn thiếc tinh. Qua thăm dò và khai thác, thực tế cho thấy quặng thiếc ở Lâm Đồng phân bố và cấu tạo rất đa dạng và phần lớn dọc theo các triền đồi ở độ sâu từ 4,5 m đến vài trăm mét, cấu tạo thẳng đứng hoặc xiên, không nằm ở dạng tầng phẳng. Vì vậy, khai thác công nghiệp rất tốn kém, không hiệu quả bằng khai thác thủ công.
Nhóm khoáng sản đá quý và đá phục vụ công nghiệp xây dựng cũng khá phong phú. Đá Saphia hiện nay có mỏ đá Sơn Điền (Di Linh) Bộ năng lượng đang quản lý khai thác, một số khác được phát hiện ở phía đông bắc Đà Lạt, Đơn Dương, Lâm Hà, Bảo Lộc nhưng không lớn. Riêng thạch anh có nhiều dạng phong phú như màu sắc, cấu tạo, kích cỡ. Tại vùng Phú Sơn (Lâm Hà) có một mỏ thạch anh vào loại lớn, hầu hết các viên đá cấu tạo hình trụ, hình sao, một viên từ một vài gram đến một tạ. Riêng đá granite theo điều tra cơ bản, Lâm Đồng có khoảng 4 đến 5 trăm ngàn khối, Lâm Đồng có hai loại đá granite rất hiếm, màu đen tuyền và hồng đào. Các mỏ đá này tập trung ở Đơn Dương, Đạ Hoai. Công ty đá ốp lát Lâm Đồng mỗi năm khai thác chế biến 5 đến 6 ngàn mét vuông, trong đó xuất khẩu khoảng 50% giá 8 – 10 đôla/m2.
Ngoài ra Lâm Đồng còn có nhóm khoáng sản phục vụ ngành công nghiệp lọc dầu, chống thấm như diatomite phân bổ vùng giáp với Bình Thuận.
Lâm Đồng còn có mỏ nước khoáng vừa mới phát hiện. Theo kết quả điều tra và kiểm nghiệm cho thấy nước khoáng Đamrong có nhiều hàm lượng khoáng đạt yêu cầu của nước khoáng thiên nhiên tinh khiết, khoan thăm dò ở độ sâu 100m đo được từ 80 đến 100 độ C, đưa lên mặt đất còn 45 – 50 độ C. Một số nhà đầu tư ở Đà Lạt đã và đang bỏ hàng trăm triệu thăm dò và tiến hành xây dựng nhà máy tại Đamrong.
Cần có chính sách đầu tư bảo vệ khai thác
Có thể không còn nghi ngờ gì nữa về nguồn khoáng sản ở Lâm Đồng, song bằng cách nào bảo vệ khai thác có hiệu quả, không thất thoát tài nguyên và còn bảo vệ môi trường, đó là vấn đề đặt ra cho Nhà nước địa phương lẫn Trung ương. Trong thực tế, sau hàng chục triệu năm ngủ yên dưới lòng đất và trong vòng 10 năm lại đây con người mới thực sự đụng đến và khai thác một cách tự phát, nhưng con người cũng chỉ nhằm vào loại “ăn xổi” như thiếc, vàng, đá quý, song các khoáng sản như Kaolin, Bauxite, thạch anh, nước khoáng vẫn còn chờ đợi. Vừa qua đã có hai công ty nước ngoài ký hợp đồng thăm dò, nhưng họ cũng chỉ thăm dò cái dễ ăn như thiếc và vàng. Hai công ty vàng và đá quý Bộ Năng lượng đang giữ độc quyền nhưng cũng chỉ giữ đó và “gặm” dần. Riêng về thiếc, ngoài việc hợp đồng với Malaysia thăm dò mỏ Đarahoa, Bộ năng lượng cấp giấy phép cho công ty khoáng sản Lâm Đồng khai thác 17 mỏ nhưng khai thác thủ công cũng cạn kiệt.
Hiện nay vẫn còn hàng chục ngàn người ở khắp rừng núi Lâm Đồng, trong số này có người đi tìm vận may, nhưng rất nhiều người đi tìm chén cơm manh áo.
Muốn quản lý tài nguyên môi trường và trật tự xã hội tốt trước nhất cần có chính sách hợp lý, cụ thể, khả thi, không thể cứ đi trấn áp, xua đuổi “xúc đổ” như lâu nay. Công ty khoáng sản Lâm Đồng đã áp dụng phương pháp thuần hóa những người đào thiếc tự do bằng đòn bẫy kinh tế rất có hiệu quả và công ty đã tập hợp được hàng ngàn lao động tránh được các hậu quả gây rối trật tự xã hội. Thế nhưng đó chỉ áp dụng tạm thời và đãi thiếc dưới dạng thủ công, chỉ đủ trang trải cho chi phí sản xuất. Việc quan trọng là phải khai thác như thế nào để có nguồn tích lũy cho quốc gia, tức là phải hiện đại phương pháp khai thác bằng công nghiệp và tìm ra nguồn tiêu thụ sản phẩm lâu dài.
Nguồn: Đà Lạt Nguyệt san, Số 7, 4.1995
Bình luận