Trong hoạt động thương mại, ngọc phỉ thúy có rất nhiều thuật ngữ chuyên ngành. Thuật ngữ này đều là những nhận thức trực quan và miêu tả hình tượng của thương nhân đối với ngọc trong thực tiễn, có hình tượng sinh động, nhưng thiếu tính khoa học và hệ thống. Để có thể khiến hai phương diện trao đổi thương mại và nghiên cứu khoa học có sự thống nhất. Bài viết này xuất phát từ góc độ Nham thạch học và Khoáng sản học, tiến hành phân tích những hiện tượng được miêu tả trong thuật ngữ thương mại, chỉ ra bản chất của những hiện tượng này, tạo nền tảng cho sự nhận thức ngọc phỉ thúy một cách khoa học và chính xác. Cùng TahiGems tìm hiểu ngay nhé!
Nội dung chính:
TogglePhỉ thuý là gì?
- Ngọc Phỉ Thúy (Fei cui) là tinh túy của cẩm thạch (Jadeite), nói như vậy nghĩa là có rất ít ngọc phỉ thúy được tìm thấy trong rất nhiều sản lượng cẩm thạch được khai thác.
- Ngọc phỉ thúy không chỉ có màu xanh, đôi lúc có màu vàng, tím, đen, đỏ, trắng, trong đó tên gọi Phỉ Thúy được hình thành bởi 2 màu sắc nổi bật của loại ngọc này, sắc đỏ gọi là Phỉ, sắc xanh gọi là Thúy. Mặc dù lý giải về xuất xứ tên gọi của Ngọc Phỉ Thúy vẫn còn nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia nhưng tựu chung khi nhắc tới tên Phỉ Thúy thì ít nhiều chúng ta cũng sẽ hình dung về một loại ngọc quý hiếm mang vẻ đẹp thanh tao, vương giả.
- Phỉ thúy có phân bố ở nhiều nơi như Mỹ, Nga, Trung Quốc nhưng chất ngọc ở Myanmar được đánh giá cao nhất, các mỏ ngọc lâu đời nhất cũng ở phía bắc Myanmar và được khai thác và thu mua chủ yếu bởi các thương nhân người Hoa. Họ đã khai thác ngọc ở Myanmar từ hàng ngàn năm trước, và cũng vì sự say mê của người Hoa với loại ngọc này mà dưới bàn tay của họ, hàng ngàn hàng vạn những tác phẩm chế tác tinh xảo từ Phỉ thúy đã ra đời. Có thể thấy người Hoa chính là những người khai thác và sưu tầm ngọc phỉ thúy làm trang sức đầu tiên, và chính nhờ họ mà thế giới mới biết thêm về vẻ đẹp của loại ngọc này, vì vậy chúng ta không ngạc nhiên khi những tác phẩm ngọc phỉ thúy đẹp nhất trên thế giới được tìm thấy ở Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc.
- Jade (cẩm thạch) cơ bản được chia thành 2 dòng chính bao gồm Jadeite và Nephrite. Thành phần của khoáng vật nào nhiều hơn thì sẽ có tên gọi đó. Nephrite còn gọi là ngọc bích hoặc Phật ngọc có màu xanh đậm, có thể được tìm thấy từng khối lớn, có khi cả nhiều tấn nên có thể được chế tác, điêu khắc thành những tác phẩm nghệ thuật lớn như tượng Phật, bình hoa, linh vật phong thủy. Ngọc bích cũng có vân, khoáng, chấm đen (ruồi) và độ trong càng cao, càng ít các tạp chất, vết răn, bông, xớ thì giá trị càng cao và ngược lại.
- Jadeite có thể có nhiều màu như trắng, xanh nhạt, xanh đậm, tím, vàng, đỏ, xám, bán trong suốt nhưng ngọc Jadeite muốn được gọi là Phỉ thúy thì phải đạt các tiêu chuẩn khắt khe về độ trong suốt, màu sắc, ánh sáng, độ bóng bề mặt vv…
Các thuật ngữ về ngọc phỉ thúy
Chúng ta đã đi hết những kiến thức rường cột, căn bản nhất về Ngọc Phỉ Thúy. Hiểu 8 tiêu chí đánh giá Ngọc, cũng như đi sâu vào hệ thống phân cấp SẮC và CHỦNG, 2 yếu tố quan trọng nhất. Từ chương này sẽ là những kiến thức mở rộng, nâng cao. Bắt đầu bằng việc giải thích ý nghĩa của một loạt thuật ngữ về Ngọc Phỉ Thúy, bạn cần phải nắm được:
🍀 LÊN NƯỚC Giới chơi Ngọc truyền tai nhau: “Đeo lâu ngày, Ngọc Phỉ Thúy sẽ LÊN NƯỚC”. Đây có lẽ vẫn là một chủ đề mơ hồ và gây tranh cãi. Bởi biểu hiện lên nước không rõ ràng, đồng nhất, và đôi khi phụ thuộc cảm quan của mỗi cá nhân.
❓️LÊN NƯỚC LÀ GÌ? Có thể hiểu đơn giản: Ngọc sẽ bóng và trong hơn sau một khoảng thời gian đeo nhất định (tiếp xúc trực tiếp với cơ thể). Ngọc Jadeite tạo thành từ các vi hạt, cấu trúc xốp mịn. Mồ hôi và sự cọ sát vào da người, lâu ngày tác động lên bề mặt, làm cho Ngọc bóng hơn. Các vệt xước nhỏ trên bề mặt cũng dần mờ đi hoặc biến mất. Đồng thời với sự thay đổi độ bóng bề mặt, thì cảm quan về độ trong lẫn màu sắc cũng biến đổi. Dẫn tới có cảm giác Ngọc trong và đậm hơn so với ban đầu. Có câu “Ngọc dưỡng người, người dưỡng ngọc”, chính là như vậy. Mối quan hệ này không đơn giản giữa người với vật. Đó là sự kết nối tâm giao. Người đeo Ngọc trở nên ôn nhu, nhã nhặn. Ngọc cũng nhờ người mà hoàn thiện, rạng rỡ hơn.
❓️CÓ PHẢI AI ĐEO CŨNG LÊN NƯỚC? Thực tế là KHÔNG. Mồ hôi và bề mặt tiếp xúc da của mỗi người là khác nhau. Do đó thời gian cũng như mức độ lên nước với từng người, từng sản phẩm Ngọc cũng khác nhau. Nếu chưa thấy sự biến đổi, bạn cũng đừng quá nôn nóng. Đủ duyên hoa sẽ nở.
❓️CÓ PHẢI CỨ NGỌC PHỈ THÚY LÀ SẼ LÊN NƯỚC? KHÔNG! Chỉ Ngọc loại A, tự nhiên hoàn toàn, mới có khả năng lên nước. Còn ngọc B đã xử lý phủ keo bề mặt, rất ít ngấm mồ hôi cơ thể, nên không thể lên nước. Thậm chí càng đeo lâu, lớp keo xuống cấp, sẽ làm bề mặt bị trầy xước, xỉn ố và không thể phục hồi.
⚠️ Lưu ý: Có lẽ hơi ngược đời, nhưng hiện tượng lên nước sẽ quan sát rõ hơn ở Ngọc phẩm cấp tầm trung trở xuống. Ngọc chủng đậu/nếp, cấu trúc lỏng lẻo, bề mặt xốp, dễ ngấm mồ hôi, sẽ biến đổi đáng kể sau một thời gian đeo. Ngược lại, Ngọc cấp Băng trở lên, vốn dĩ nội hàm đã vô cùng tinh tế, vi hạt gắn kết chặt chẽ, bề mặt bóng mịn sẵn rồi. Nên nếu có lên nước, cũng không dễ để nhận ra sự khác biệt.
🍀 KHỞI TÍNH Trong quan niệm Phật Giáo, 12 thứ nhân duyên trong cõi đời này, đều bắt đầu bằng một chữ “KHỞI”. Với Ngọc Phỉ Thúy cũng vậy: Khi cấu trúc của Ngọc đủ già, mịn, liên kết chặt chẽ, đủ lượng sẽ biến đổi về chất. Ngọc lúc này sẽ đạt tới tầng cấp cao hơn, mà ta mô tả bằng 3 khái niệm, đều bắt đầu bằng chữ “KHỞI”:
KHỞI QUANG
Đây là thuật ngữ trong giới chơi ngọc Trung Quốc. Còn Việt Nam dùng một từ mộc mạc và gần gũi hơn, đó là ÁNH DẠ. Ngọc khởi quang (hay lên ánh dạ) sẽ xuất hiện quầng sáng trắng ở rìa. Ánh sáng đi qua được phản xạ lại 1 phần, tạo nên cảm giác rực sáng và chiều sâu hút mắt cho khối ngọc. Giống như được lót tấm vải dạ bên dưới.
Ngọc chỉ trong thôi chưa đủ. Trong mà không có ánh dạ, giống như xinh đẹp nhưng rỗng tuếch. Ngược lại, Ngọc trong và có ánh dạ, không khác gì dung nhan diễm lệ, lại được bồi dưỡng bằng nội tâm phong phú.
Ngoài khởi quang tự nhiên, có thể dùng kỹ thuật chạm khắc để tăng ánh dạ cho khối ngọc. Bằng cách khoét các đường viền tròn một cách khéo léo ở mặt sau, nương theo hướng phản xạ của tia sáng. Làm cho hiệu ứng khởi quang hiển thị rõ ràng hơn khi quan sát từ mặt trước.
KHỞI KEO
Đây là khái niệm để chỉ kết cấu vi hạt ngọc đạt tới độ kết dính cao, tạo ra hiệu ứng bề mặt giống như keo hay thạch. Thường Ngọc tối thiểu cấp nếp băng mới có hiện tượng KHỞI KEO. Khi lật qua lật lại, hiệu ứng ánh sáng chuyển động giống như keo chảy trên bề mặt Ngọc.
KHỞI CƯƠNG (KHỞI CANG)
Kết cấu vi hạt siêu nhỏ, liên kết cực tốt. Lật qua lật lại sẽ thấy ánh sáng chạy nhanh trên bề mặt, sắc lạnh. Để dễ hiểu, viên Ngọc KHỞI CƯƠNG thì nhìn vào sẽ như nhìn gương. Mọi vật phía sau được phản xạ rõ ràng, sắc nét.
THÚY TÍNH
Thúy Tính là một bộ các dấu hiệu đặc trưng, mà căn cứ vào đó, người xưa có thể xác định mẫu vật có phải là Ngọc Phỉ Thúy hay không.
Theo thời gian, các dấu hiệu này vẫn còn nguyên giá trị, và được dân săn Ngọc sử dụng để đối sánh. Chúng ta sẽ bàn kỹ từng dấu hiệu một ngay sau đây:
THƯƠNG DIỆP TRÌ (CÁNH RUỒI)
CÁNH RUỒI là một đặc trưng cơ bản của Phỉ Thuý.
Trên vỏ đá thô: Khi soi đèn cách viên đá khoảng 10-20cm, xoay nhẹ viên đá sẽ thấy có các đốm lấm tấm như cánh ruồi lấp lánh. Cánh ruồi dễ nhận thấy nhất trên đá thô các dòng vỏ đen như Mowanji, Moxisha…
Các loại đá thô vỏ già sẽ không nhìn cánh ruồi. Thay vào đó là các đốm lấp lánh li ti như hạt cát. Như vậy, cánh ruồi càng nhỏ hoặc gần như biến mất, cho thấy Ngọc già và thịt ngọc tinh mịn.
Nếu xẻ phôi ra mà thấy rõ cánh ruồi ở thịt ngọc, trên mặt cắt, thường phôi sẽ có bông, làm giảm độ tinh mịn, giảm giá trị.
Cánh ruồi dễ nhận biết nhất trên các phôi hoặc thành phẩm chủng đậu hoặc nếp trở xuống
QUẤT BÌ (VỎ CAM)
Hiệu ứng VỎ CAM là một đặc điểm xuất hiện trên bề mặt Ngọc sau khi đánh bóng. Ngọc Jadeite cấu tạo từ nhiều vi hạt khoáng chất, sắp xếp không trật tự, và độ cứng khác nhau.
Khi dùng bột đánh bóng có độ cứng và độ mịn không đổi, thì những chỗ mềm trên Ngọc bị ăn mòn và lõm xuống. Ngược lại, những chỗ cứng sẽ lồi cao hơn. Dẫn tới thành phẩm khi lật qua lật lại dưới ánh sáng, thấy hiện tượng sần sùi lồi lõm như vỏ cam.
Hiệu ứng vỏ cam quan sát được rõ ở Ngọc chủng Đậu, Nếp. Còn ở phẩm chất cao như Băng Chủng, Thủy Tinh Chủng, kết cấu đã rất đồng nhất, khó thấy hiện tượng này.
Hiệu ứng vỏ cam là hiện tượng độc đáo, chỉ có trên Ngọc Phỉ Thúy Jadeite. Có thể căn cứ vào đây để phân biệt nó với Ngọc Hòa Điền Nephrite.
KẾT BÔNG
Bên trong lòng Ngọc Phỉ Thúy thường có các khoáng chất màu trắng mờ hoặc hơi trong giống như bông gòn. Chúng làm ảnh hưởng tới quá trình xuyên thấu và phản xạ của ánh sáng. Đồng thời cũng làm giảm độ bền liên kết giữa các vi hạt. Từ đó khiến Chủng Ngọc bị giảm xuống.
Nhìn chung, “Bông” là yếu tố làm giảm giá trị Ngọc. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu đặc trưng giúp nhận biết Ngọc Phỉ Thúy, phân biệt với các loại đá khác. Bông của Ngọc Jadeite khác với bọt nước trong Ngọc Thủy Mặc Albite, hay vân mây trong Ngọc Độc Long Dulong.
Lưu ý: Nếu bông tạo thành các hoa văn dạng mây đặc sắc, hoặc tụ thành đốm bông tuyết như trong Phỉ Thúy Muna, thì lại là điểm cộng, tăng giá trị cho Ngọc.
Tóm lại, THÚY TÍNH là bộ 3 dấu hiệu để nhận biết Ngọc Phỉ Thúy: CÁNH RUỒI ngoài khối thô, VỎ CAM trên mặt cắt, và KẾT BÔNG trong thịt Ngọc.
SẮC CĂN (RỄ MÀU)
SẮC CĂN là một đặc điểm để phân biệt Ngọc Myanmar và Ngọc Guatemala. Chỉ Ngọc Myanmar mới có rễ màu, Ngọc Gua thì không.
Ta có thể hình dung thông qua Ví dụ vui “Trứng ngâm tương” dưới đây:
Ngọc Myanmar giống như quả trứng được luộc chín, lớp vỏ nứt ra, nước tương có thể ngấm vào các khe nứt đó, tạo thành màu đậm ở khe nứt, và nhạt dần ra xung quanh, nhưng không làm bong vỏ trứng.
Ngọc Guatemala giống như quả trứng được ngâm hóa chất cho vỏ mềm và mỏng đi. Nước tương sẽ từ từ ngấm qua lớp vỏ đó, nên màu rất đều ở mọi vị trí. Nhưng cấu trúc lúc này đã bị hóa chất phá vỡ, nên quả trứng bị bở, không còn dai ngon nữa.
(Nguồn: Hội Yêu Đá Quý)
Bình luận