CÂU CHUYỆN VỀ CUỘC ĐỜI NGƯỜI TÌM RA TSAVORITE
Tsavorite là một loại đá quý có màu xanh rất đẹp và rất nổi tiếng nhờ vẻ đẹp đặc biệt của nó. Nhưng phía sau vẻ đẹp này là một quá khứ đen tối, kéo dài trong nhiều thập kỷ ở lục địa châu Phi, xoay quanh một người đàn ông có niềm đam mê với đá quý và kết thúc cuộc đời trong cuộc ám sát bi thảm.
Lịch sử Tsavorite bước sang trang mới từ năm 1967 khi nhà địa chất học Tiến sĩ Campbell R. Bridges tình cờ phát hiện một số nốt sần giống như củ khoai tây ở vùng đông bắc Tanzania. Mẫu vật này được xác định là Green Grussular garnet, với độ trong suốt tốt & màu xanh cực kỳ rực rỡ, một loại đá hoàn toàn chưa từng thấy trước đây. Campbell R. Bridges ngay lập tức hiểu rằng ông đã tìm thấy thứ gì đó thực sự tuyệt vời!
Ban đầu ông tìm thấy một mỏ nhỏ garnet xanh tại một ngôi làng ít người tên Lemshuko, nằm ở phía bắc Tanzania, nhưng chính phủ Tanzania lúc bấy giờ đang trải qua những biến động chính trị đã không chịu cấp giấy phép khai thác.
Khó khăn ban đầu không làm Campbell R. Bridges chùng bước, Ông linh cảm rằng địa tầng của Tanzania là một phần của hệ tầng địa chất lớn hơn có lẽ kéo dài qua biên giới Tanzania – và ông đã đúng. Năm 1971, Campbell R. Bridges một lần nữa đã phát hiện mỏ garnet xanh trữ lượng còn lớn hơn ở nước láng giềng Kenya. Phải trãi qua nhiều lần dàn xếp với các quan chức địa phương, cuối cùng Campbell R. Bridges cũng được cấp giấy phép khai thác khu vực này.
Và từ đây, bắt đầu cho câu chuyện lãng mạn của loại đá màu xanh huyền bí này, cũng như sự khởi đầu cho kết cục bi thảm cuối đời của Campbell R. Bridges.
Trong vài năm tiếp theo, Garnet xanh đã được khai thác khá nhiều về số lượng nhưng vẫn chưa được biết đến rộng rãi. Cho đến khi năm 1974 Tiffany & Co., một hãng kim hoàn rất lớn từ Mỹ tham gia với chiến lượt tiếp thị cực kỳ hoành tráng.
Việc đặt tên cho loại đá mới này cũng mang nhiều tranh cãi, lẽ ra loại garnet xanh phải được đặt tên là “Campbellite” hoặc “Bridgesite” để vinh doanh Campbell R. Bridges giống với các loại đá quý mang tính biểu tượng kiểu như Kunzite (đặt theo tên của tiến sĩ đá quý George Frederick Kunz) và Morganite (đặt theo tên của nhà tài phiệt G.J.P.Morgan). Nhưng ông Henry Platt, khi đó là chủ tịch của Tiffany, đã nhận ra mối quan hệ “không ổn” giữa Campbell R. Bridges và chính phủ sở tại có thể ảnh hưởng đến việc tiếp thị viên đá ra thị trường, nên đã quyết định đặt tên là “Tsavorite” theo tên công viên quốc gia Tsavo (Kenya) nơi loại đá này đang được khai thác.
Với chiến lượt tiếp thị thành công, mọi người như phát cuồng trong làn sóng muốn sở hữu bằng được loại đá quý màu xanh tuyệt vời này. Khám phá này cũng đưa sự nghiệp của Campbell R. Bridges lên một tầm cao mới, ông trở thành một chuyên gia đá quý nổi tiếng thế giới và trở thành đối tác đặc biệt bao gồm rất nhiều lợi ích kếch xù với Tiffany & Co.
Tại Kenya, hoạt động khai thác của ông cũng được đà phát triển và mở rộng mạnh mẽ, đem về cho gia đình Campbell R. Bridges một khối lượng lớn tài sản và quyền khai thác ở khắp lãnh thổ Kenya. Chính điều này làm ảnh hưởng đến lợi ích không hề nhỏ của các nhóm khai thác đá quý được các quan chức chính phủ tham nhũng hỗ trợ từ phía sau.
Như mọi người vẫn biết, tuy có rất nhiều đá quý được khai thác từ Châu Phi, nhưng chủ yếu lợi ích rơi vào tay tầng lớp quan chức chính phủ và các nhà tư bản nước ngoài, trong khi phần lớn người dân bản địa thường xuyên sống trong tình trạng nghèo đói, cực khổ…
Các hoạt động khai thác của Campbell R. Bridges liên tục bị đe dọa bởi động vật hoang dã và kẻ trộm. Ông sống trong một ngôi nhà trên cây để bảo vệ mình và huấn luyện một con trăn lớn để canh chừng những viên đá quý có giá trị (người bản địa dường như rất ghê sợ những con trăn).
Mặc cho sự phòng thủ của mình, vào ngày 11/08/2009 Campbell R. Bridges bị tấn công bởi một nhóm gồm 20 người đàn ông được trang bị gậy, giáo, cung tên khi đang lái xe đến giám sát một khu mỏ khai thác đá quý gần thị trấn Voi, thuộc công viên quốc gia Tsavo.
Ông và con trai cùng một số công nhân trung thành đã cố gắng chống trả nhằm trốn thoát, nhưng cuối cùng Campbell R. Bridges đã mất mạng sau khi bị đâm bằng dao. Con trai ông cũng bị thương nhưng vẫn sống sót. Vụ tấn công được cho là do một số người khai thác bất hợp pháp tại địa phương tức giận về một người đàn ông mà họ coi là “người nước ngoài” đã và đang ăn cắp những gì họ cảm thấy lẽ ra nên thuộc về họ. Mặc dù thực tế là Campbell và gia đình anh ta sống ở Kenya trong nhiều năm và nổi tiếng vì đối xử tốt với công nhân bản địa cũng như có đầy đủ giấy phép sở hữu & khai thác tại các khu mỏ này.
Cuộc tấn công chí mạng xảy ra sau nhiều lời đe dọa gởi tới Campbell R. Bridges với yêu sách phải bỏ quyền khai thác đá quý ở các mỏ nắm giữ. Trước đó, gia đình nhà Campbell đã nhiều lần đến cảnh sát để cầu cứu nhưng họ đều bị gạt đi. Cuối cùng, Campbell quyết định sử dụng an ninh tư nhân nhưng chưa kịp triển khai thì đã quá muộn.
Trong nhiều năm tiếp theo, con trai và các thành viên khác trong gia đình đã mất nhiều công sức để đòi công lý thay cho cha mình. Mặc dù một số người đàn ông giết cha mình đã bị chụp ảnh và bị bắt ngay sau vụ giết người, cuộc điều tra đã bị cố tình kéo ra và cản trở bởi một số vấn đề chính trị, bao gồm cả tham nhũng ở các cấp độ khác nhau. Cuối cùng, đến mãi tận năm 2014, những kẻ giết cha của anh ta đã bị xét xử và kết án hơn 40 năm tù. Một niềm an ủi nhỏ cho gia đình đã mất một người cha và thế giới đá quý đã mất đi một người lãnh đạo và có tầm nhìn với niềm đam mê thực sự với đá quý.
Ngày nay, Tsavorite ngày càng trở nên nổi tiếng khi ngày càng nhiều người khám phá ra vẻ đẹp của loại đá quý hiếm này. Nhưng rất ít người nhận ra cái giá mà một người đàn ông và gia đình anh ta đã trả để có được thứ quý giá cho phần còn lại của thế giới đang tận hưởng.
Quả thật, đây là một viên đá quý đáng trân trọng vì sự hiếm có, vẻ đẹp và lịch sử đen tối phía sau của nó. Đối với những người biết trân trọng viên đá quý giá trị này ngày nay, việc hiểu được thời gian mà gia đình Campbell phải trải qua trong hành trình mang Tsavorite ra với thế giới, khiến vẻ đẹp của nó trở nên ý nghĩa, giá trị hơn rất nhiều
Bình luận